Nước lá vối là thức uống quen thuộc với người dân Việt nam từ xa xưa. Đây cũng là bài thuốc dân gian chữa nhiều bệnh tật. Vậy nước lá vối có tác dụng gì? Uống nước lá vối như thế nào cho hiệu quả?
Tìm hiểu về cây vối
Cây lá vối, còn gọi là cây vối, thuộc loại cây thân gỗ. Ở nước ta cây vối được trồng nhiều ở miền Bắc. Cây vối thường cao 6-8 mét, đường kính có thể lên đến 50cm. Lá vối mọc đối, phiến lá có hình bầu dục, hai mặt đều có màu xanh lục nhạt, có đốm nâu. Đầu lá vối nhọn, gốc lá thuôn, mép lá không có răng cưa, không có lông.
Hoa vối thường mọc thành cụm. Hoa vối không có cuống, có màu trắng, lục nhạt. Quả vối rất nhỏ, có hình bầu dục, nhăn nheo. Khi chín quả vối sẽ có màu tím sậm giống quả sim và có dịch.
Uống nước lá vối có tác dụng gì?
Nước lá vối được nấu bằng nụ hoặc lá vối đã phủ chín rồi phơi khô, nấu ngay khi lá còn tươi. Đây là một thức uống rất quen thuộc ở các vùng nông thôn Bắc Bộ.
1. Nước lá vối tốt cho bệnh nhân Gout
Người bị mắc bệnh Gout là do nạp vào cơ thể nhiều chất béo ngọt, làm cho lượng axit uric trong cơ thể tăng lên. Bên cạnh đó là hệ thống tiêu hóa và bài tiết của thận không tốt, dẫn đến tình trạng axit uric ứ đọng ở các khớp, gây sưng đau khớp.
Uống nước lá vối có tác dụng đào thải các axit uric, giúp phòng ngừa và hỗ trợ điều trị bệnh Gout hiệu quả.
2. Uống nước vối giúp ổn định đường huyết
Uống nước vối có tác dụng ổn định đường huyết và hạn chế đường huyết tăng sau khi ăn ở bệnh nhân đái tháo đường. Một nghiên cứu cho thấy, nếu uống trà vối liên tục trong 3 tháng với liều lượng trung bình khoảng 20-25gram/người/ngày sẽ giúp giảm đường huyết của các bệnh nhân đái tháo đường type 2.
3. Tốt cho tiêu hóa, đường ruột
Vối có tác dụng thanh nhiệt, giúp ăn ngon, tiêu hóa tốt. Nước vối có tác dụng rất tốt trong việc giải tiêu khi ăn các thức ăn khó tiêu. Chất đắng trong vối giúp kích thích tiết nhiều dịch tiêu hóa, chất tanin bảo vệ niêm mạc ruột, chất tinh dầu có tính kháng khuẩn nhưng không hại các vi khuẩn có ích trong đường ruột.
Để có tác dụng tốt hơn bạn cũng có thể kết hợp lá vối với lá hoắc hương để có tác dụng hiệu quả đối với hệ tiêu hóa và đường ruột.
4. Chữa tiêu chảy
Nước lá vối được dân gian sử dụng nhiều để chữa tiêu chảy. Lấy khoảng 3-4 lá vối, 8 gam vỏ ổi, 10 gam núm quả chuối tiêu thái nhỏ phơi khô, sắc với 400ml nước. Uống 2 lần trong ngày. Người bị tiêu chảy uống nước này 2-3 ngày sẽ khỏi hẳn.
5. Nước vối giúp thanh lọc cơ thể
Lá vối tươi hoặc khô khi hãm với nước nóng uống như trà sẽ giúp giải khát, thanh nhiệt và thanh lọc cơ thể. Trong nước vối, ngoài nước ra còn cung cấp các khoáng chất và vitamin.
Nước lá vối có thể làm mát cơ thể và rất lợi tiểu nên giúp đào thải các độc tố trong cơ thể qua tiết niệu hiệu quả.
6. Chữa viêm đại tràng
Cách làm: Dùng 200 gam lá vối tươi vò nát, sau đó thêm khoảng 2 lít nước sôi vào và ngâm trong 1 giờ. Uống nước này thường xuyên sẽ hỗ trợ chữa viêm đại tràng, đau bụng âm ỉ.
7. Sát khuẩn cho da
Trong lá vối có chứa nhiều chất kháng sinh, kháng viêm có thể tiêu diệt được nhiều loại vi khuẩn. Chính vì vậy, nước lá vối được coi như một loại thuốc sát khuẩn dùng trị liệu các bệnh ngoài da như ghẻ lở, mụn nhọt. Ngoài ra, người ta còn lấy lá vối tươi nấu lấy nước đặc để gội đầu chữa lở da đầu rất hiệu quả.
Cách pha nước vối ngon
Không phải ai cũng biết cách pha để có được 1 ấm nước vối ngon. Sau đây là các bước pha nước vối cực ngon cho những người thích loại nước uống này.
Nguyên liệu:
20 gam nụ/lá vối khô
1 ấm tích
1 giỏ ủ ấm
Nước sôi
Cách làm
Bước 1: Dùng nước sạch để rửa đi các chất bụi bẩn có trong lá vối
Bước 2: Dùng nước sôi tráng qua ấm tích để cho ấm tích được ấm hơn. Như vậy, sẽ giúp lá và nụ vối ngấm hơn
Bước 3: Cho lá vối hay nụ vối vào ấm tích. Chúng ta đổ 1 lượt nước sôi đầu để tráng qua, sau đó bỏ nước này đi giống như chúng ta hãm trà.
Bước 4: Rót nước sôi vào ấm tích sao cho gần đầy ấm tích, đậy nắp và cho vào bao ủ ấm tích, để từ 15 đến 20 phút là có thể dùng được.
Những lưu ý khi uống nước vối
Như đã phân tích ở trên, nước lá vối có rất nhiều lợi ích đối với sức khỏe Tuy nhiên, bạn cũng không nên làm dụng quá nhiều loại nước uống này và cần chú ý những điều sau khi uống nước lá vối.
Hạn chế uống nước lá vối tươi
Lá vối tươi có tác dụng kháng viêm và kháng khuẩn rất mạnh có thể dẫn tới tình trạng hao huyết và tiêu diệt những vi khuẩn có lợi. Thay vào đó hãy sử dụng lá vối và nụ vối khô thay vì thói quen dùng lá vối tươi.
Không uống nước vối khi đang đói
Uống nước vối khi bụng đói sẽ làm cho bụng bị cảm giác cồn cào do nước vối có tác dụng thúc đẩy tiêu hóa, chống đầy bụng, ăn ngon miệng… Lúc này nhu động ruột hoạt động mạnh gây cảm giác thèm ăn, mệt mỏi, mất năng lượng.
Không uống quá nhiều nước lá vối trong 1 ngày
Không nên uống nước vối quá nhiều trong 1 ngày, điều này sẽ không tốt cho hệ tiêu hóa. Nhất là sau khi ăn, nếu uống quá nhiều nước vối có thể gây cản trở hấp thu các dưỡng chất, nếu pha loãng thì không sao. Tốt nhất 1 ngày chúng ta chỉ nên uống tối đa 1 ấm nước lá vối hoặc 1 ly nước lá vối.
Nước lá vối có rất nhiều tác dụng tới sức khỏe. Hãy uống nước vối đúng cách, đúng thời điểm để đem lại nhưng hiệu quả tốt nhất.