Những ngày gần đây, việc nước ngầm nhiễm Asen khiến người dân Hà Thành ăn ngủ không yên. Hết vụ nước nhiễm Styrene lại đến vụ này không biết người dân sẽ phải sống sao?
Chủ tịch Hà Nội: ‘Hệ thống nước ngầm đang nhiễm Asen rất nặng’
Theo ông Nguyễn Đức Chung, nguyên nhân nước ngầm tại Hà Nội nhiễm asen rất mạnh vì có trên 300.000 giếng khoan của người dân và của doanh nghiệp trong các khu phụ công nghiệp thẩm thấu xuống. Ngoài ra, ông còn cho hay: đến năm 2020, 100% người dân đô thị được cung cấp nước sạch theo tiêu chuẩn 01 của Bộ Y tế; 50% người dân nông thôn được cung cấp nước sạch theo tiêu chuẩn đô thị.
Hà Nội đang kêu gọi công khai xã hội hóa các đơn vị tư nhân vào đầu tư hệ thống cung cấp nước, đến nay đã được 23 nhà đầu tư với 38 dự án.
“Năm nay, 75% người dân ở vùng nông thôn được cấp nước sạch theo tiêu chuẩn đô thị. Tuy nhiên, hiện nay hệ thống nước ngầm của chúng ta đang bị nhiễm Asen và chất hữu cơ rất nặng. Nguyên nhân vì có trên 300.000 giếng khoan của người dân và của doanh nghiệp trong các khu phụ công nghiệp thẩm thấu xuống.
Cũng trong năm nay, ngoài sự cố nước sông Đà, các khu đô thị, khu chung cư không có tình trạng cắt nước nơi này, cấp nước nơi kia, mà có đủ nước sạch cấp cho người dân” – ông Chung nói.
Nước ngầm nhiễm Asen – không phải chuyện đùa
Theo thống kê của Bộ Y tế năm 2017, cả nước có 17 triệu người dân sử dụng nước bị nhiễm asen do dùng nước từ giếng khoan chưa qua xử lý hoặc xử lý chưa triệt để, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe. Cả nước có hơn 4 triệu giếng khoan, trong đó nhiều giếng có nồng độ asen cao hơn 20-50 lần giới hạn cho phép (0,01mg/l). Ô nhiễm asen trong nước tập trung tại một số vùng nông thôn các tỉnh, thành phố: Hà Nội, Hà Nam, Vĩnh Phúc, Hưng Yên, Nam Định, Ninh Bình, Thanh Hoá… Có 3/4 số hộ dân được điều tra tại 8 tỉnh Đồng bằng sông Hồng bị nhiễm asen cao hơn nhiều mức cho phép, trong đó tỉnh Hà Nam nhiễm cao nhất với 50/160 xã (chiếm 43%) có nguồn nước bị nhiễm asen…
PGS.TS Trần Hồng Côn, Chủ nhiệm bộ môn công nghệ hóa học (khoa Hóa, Trường ĐH Khoa học tự nhiên thuộc ĐHQG Hà Nội) cho biết theo khuyến cáo của WHO, nước bị coi là nhiễm độc Asen là nước có hàm lượng Asen từ 0,01mg/lít trở lên. Sử dụng nước bị nhiễm Asen quá mức cho phép trong một thời gian dài thì cơ thể bị phơi nhiễm Asen mãn tính.
Asen là tác nhân gây ra 19 loại bệnh khác nhau, trong đó đặc biệt là bệnh ung thư da và ung thư phổi. Người uống nước nhiễm Asen lâu ngày sẽ có các đốm sừng trên thân thể hay các đầu chi, niêm mạc lưỡi hoặc sừng hóa da, gây sạm và mất sắc tố, từ đó dẫn đến hoại da hay ung thư da.
Bệnh sừng hóa thường xuất hiện ở tay, chân, lòng bàn tay, gan bàn tay. Tình trạng nhiễm asen lâu ngày còn có thể gây ung thư (gan, phổi, bàng quang, thận).
Trường hợp mãn tính cho đến bây giờ chưa có thuốc nào chữa được. Với trường hợp uống nước nhiễm Asen lâu ngày, chưa phát hiện ra ung thư thì mới có phác đồ điều trị là cách ly bệnh nhân ra khỏi nguồn nước ô nhiễm, uống vitamin để cơ thể tự đào thải độc tố ra ngoài.
Trong trường hợp ngộ độc cấp tính có thể dẫn tới tình trạng tử vong….
Vậy….đâu sẽ là lối thoát cho người dân hiện nay?