Nước ngầm là gì?
Nước ngầm là nguồn nước ở sâu dưới lòng đất, được tạo nên do mưa và hơi nước thấm vào trong lòng đất và được giữ lại trong các tầng trữ nước nằm xen kẽ với các tầng không thấm nước. Do nước thấm qua các tầng đất đá cát sỏi giống như quá trình lọc qua các vật liệu lọc nước nên nước ngầm thường có hàm lượng các tạp chất lơ lửng nhỏ.
Nước ngầm có nguồn gốc cung cấp do nước mưa ngấm xuống đất và do sự ngưng tụ hơi nước từ tầng sâu trong lòng đất hòa quyện với nhau hình thành nước ngầm. Nói cách khác nguồn cung cấp cho nước ngầm chủ yếu do nước mưa và hơi nước thông qua sự tuần hoàn nước trong tự nhiên : Nước trên mặt đất, mặt biển, sông ngòi, hồ ao, kênh mương bốc hơi nước lên bầu khí quyển, ở đây chúng tụ lại thành những lớp mây dày đặc và ngưng tụ lại rơi xuống mặt đất dưới dạng mưa. Một phần chảy ra sông biển, một phần bốc lên bầu khí quyển, một phần thấm sâu vào đất đá dưới dạng dòng thấm và hơi nước xuyên sâu bổ sung cho nước ngầm.
Đặc điểm của nguồn nước ngầm
Nước ngầm tồn tại trong các tầng trữ nước là các khoáng chất, vì vậy nước ngầm thường có hàm lượng các khoáng chất như Canxi, Magie cao nên nước ngầm thường có độ cứng cao. Ngoài ra thường có hàm lượng các nguyên tố kim loại đặc biệt là sắt, mangan cao. Hàm lượng các nguyên tố kim loại trong nước ngầm phụ thuộc vào tính chất của từng khu vực. Có những nơi nước ngầm rất sạch đảm bảo yêu cầu nước sinh hoạt và ăn uống chỉ xử lý đơn giản như khử trùng rồi đưa vào tiêu dùng. Ngược lại có những nơi hàm lượng sắt và mangan rất cao, thậm chí nước ngầm còn có hàm lượng các kim loại nặng khác như đồng, thủy ngân, chỉ, crom và các hợp chất nitơ, amoni cần phải qua xử lý phức tạp mới có thể sử dụng được.
Ngày nay nguồn nước ngầm hay bị tác động của con người. Các chất thải của người và động vật, các chất thải hóa học, các chất thải sinh học cũng như việc sử dụng phân bón hóa học, thuốc trừ sâu… Tất cả những chất thải đó theo thời gian ngấm dần vào nguồn nươc, tích tụ dần và dẫn đến hư hỏng nguồn nước ngầm. Đã có không ít nguồn nước ngầm do tác động của con người đã bị ô nhiễm bởi các chất hữu cơ khó phân hủy, các vi khuẩn gây bệnh và nhất là các chất độc hại như kim loại nặng và không loại trừ các chất phóng xạ.
Các khả năng gây ô nhiễm nguồn nước ngầm
1. Ô nhiễm hóa học
Bao gồm những thay đổi theo chiều hướng xấu về hóa tính của nước ngầm, một số muối có độc tính cao, các nguyên tố kim loại nặng xuất hiện trong nước ngầm như: chì, đồng, thủy ngân, asen, crom… những chất này có nguồn gốc từ chất thải, nước thải công nghiệp, sinh hoạt và việc dùng phân hóa học, thuốc trừ sâu quá nhiều trong nông nghiệp.
2. Ô nhiễm hóa sinh
Loại ô nhiễm này khó thấy nhưng vô cùng tai hại, xảy ra trong quá trình hóa – sinh tổng hợp. Đó là quá trình xảy ra trong cơ thể sinh vật, các chất ít độc hoặc không độc kết hợp với nhau trong quá trình biến đổi hóa – sinh tạo ra các chất có độc tố cao.
3. Ô nhiễm sinh thái học
Ô nhiễm sinh thái học là mối hiểm họa lớn nhất đang ngày càng gia tăng, đặc biệt là những nước đang phát triển. Do hoạt động phát triển quá mức của con người trong quá trình phát triển kinh tế xã hội, làm đảo lộn môi trường sinh thái tự nhiên theo chiều hướng xấu. Các nạn phá rừng bừa bãi, hủy hoại thảm phủ thực vật làm xói mòn đất, dẫn đến tăng hệ số dòng chảy mặt, giảm lượng nước thấm xuống đất bổ sung vào nước ngầm. Mặt khác ở một số nơi lượng nước ngầm cũng bị khai thác quá mức làm trữ lượng nước ngầm suy giảm, mức nước ngầm hạ thấp, các nguồn nước khác có chất lượng kém tràn vào làm ô nhiễm nguồn nước ngầm.
4. Nhiễm bẩn nước ngầm
Đây là một khả năng ô nhiễm lớn nhất và thường xuyên, chất thải và nước thải từ các bệnh viện, khu dân cư, chăn nuôi, phân động vật sẽ theo nước ngầm ngấm xuống làm nhiễm bẩn nước ngầm.