Chất lượng nước sinh hoạt không đảm bảo là một trong các vấn đề nóng được nhắc đến hiện nay trên nhiều phương tiện truyền thông, đặc biệt một số nguồn nước sinh hoạt nhiễm Asen đang gây hoang mang cho nhiều hộ gia đình bởi nó có thể ảnh hưởng ngay hoặc tích tụ dần trong cơ thể con người gây ra nhiều căn bệnh nguy hiểm nhưng lại không thể nhận biết nó trong nước bằng cảm quan bởi Asen không gây mùi vị khó chịu cũng như không làm biến đổi màu sắc của nước cả khi hàm lượng của nó trong nước đủ làm chết người.
Tác hại của nước sinh hoạt nhiễm Asen đối với sức khỏe:
Asen tích tụ trong cơ thể con người thông qua nhiều con đường, đặc biệt là tiếp xúc liên tục với nước hoặc do ăn uống bằng nguồn nước có nhiễm Asen. Theo thống kê của Tổ chức Y tế thế giới WHO, cứ 10.000 người thì có 6 người bị ung thư do sử dụng nước ăn có nồng độ asen lớn hơn 0,01 mg/lít nước. Theo nghiên cứu của Viện Y học lao động và vệ sinh môi trường (Bộ Y tế), hiện có trên 20% dân số Việt Nam đang dùng nguồn nước nhiễm asen. Độc tính của Asen cao hơn gấp 4 lần so với thủy ngân.
Asen gây độc ở 4 nhóm cơ quan chính: hệ tiêu hóa, da, hệ thần kinh trung ương và thần kinh vận động.
Nhiễm độc asen với liều lượng dù nhỏ nhưng nếu tích tụ trong thời gian dài sẽ gây ra các triệu chứng mệt mỏi, buồn nôn, hồng cầu và bạch cầu giảm, da mặt xám, rụng tóc, giảm trí nhớ, mạch máu bị tổn thương, bệnh rối loạn nhịp tim, đau mắt, đau tai, viêm dạ dày và ruột làm kiệt sức, gây lở lóet, các bệnh ung thư, tiểu đường
Hai loại bệnh phổ biến nhất do asen gây ra là ung thư da và phổi. Nhiều nơi người dân sử dụng nguồn nước nhiễm Asen sinh ra hội chứng xạm da, sừng hóa bẩm sinh gan bàn chân, thay đổi sắc tố da, gây sừng cứng và hoại tử. Nguy hiểm hơn là nó ảnh hưởng sức khỏe phụ nữ có thai, làm động thai, ảnh hưởng đến thai nhi và gây ra những bệnh phổi ác tính, những tác động xấu lên sự phát triển thể chất và trí tuệ của trẻ sau này.
Nếu nồng độ Asen quá lớn sẽ gây ra nhiễm độc cấp tính, người bị nhiễm độc có các biểu hiện nôn mửa, đau bụng, tiêu chảy liên tục, khát nước, mạch yếu dần, mặt nhợt nhạt rồi thâm tím, tiểu khó và tử vong nhanh nếu không được cấp cứu kịp thời
Tiêu chuẩn về hàm lượng Asen trong nước
Theo QCVN 02:2009/BYT, Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng nước sinh hoạt
– Đối với các cơ sở cung cấp nước: Hàm lượng asen cho phép trong nước sinh hoạt không được vượt quá 0,01 mg/L
– Đối với nước sinh hoạt trong hộ gia đình: Hàm lượng asen cho phép trong nước sinh hoạt không được vượt quá 0,05 mg/L
Theo QCVN 01:2009/BYT, Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng nước ăn uống, hàm lượng asen cho phép trong nước ăn uống không vượt quá 0,01 mg/L.
>>> Có thể bạn quan tâm: Chỉ tiêu nào quan trọng nhất trong tiêu chuẩn nước sinh hoạt ăn uống?
Cách xác định nguồn nước sinh hoạt nhiễm Asen
Asen là chất không màu, không mùi, không vị nên không thể xác định sự có mặt của nó trong nước bằng cảm quan.
Cách duy nhất để xác định sự có mặt của Asen trong nước là phân tích trong phòng thí nghiệm, vì vậy các gia đình nên chủ động mang mẫu nước đến các trung tâm hoặc cơ sở y tế uy tín để phân tích nhằm tìm ra biện pháp xử lý kịp thời, đảm bảo an toàn sức khỏe cho người thân trong gia đình.
Đầu tư cho nước sạch là đầu tư quan trọng hàng đầu cho sức khỏe!