Thiết bị làm mềm nước là một trong những sản phẩm được người tiêu dùng tìm kiếm với tần suất cao hiện nay. Vì sao cần tới thiết bị này? Lựa chọn chúng ra sao? Nuocsinhhoat sẽ giúp trả lời bạn câu hỏi này.
Vì sao cần thiết bị làm mềm nước?
Những chiếc máy làm mềm nước được người tiêu dùng tìm kiếm nhiều trong thời gian gần đây. Với nhiều người thì đây vẫn là sản phẩm khá xa lạ và chưa có nhiều thông tin về chúng. Và câu hỏi lớn tại sao cần phải làm mềm nước khiến chúng ta không khỏi tò mò.
Nước cứng chính là nguyên nhân khiến chúng ta phải dùng tới thiết bị làm mềm nước. Nước cứng được chia thành 3 loại, nước cứng tạm thời (khi đun sôi – muối hiđrocacbonat nhiệt phân thành muối không tan – mất tính cứng của nước). Tính cứng tạm thời do các muối Ca(HCO3)2 và Mg(HCO3)2 gây ra.
Loại thứ 2 là nước cứng vĩnh cửu- do các loại muối MgCl2, CaCl2, MgSO4, CaSO4 gây ra và loại thứ 3 là nước cứng toàn phần: có cả tính cứng tạm thời và tính cứng vĩnh cửu.
Tính chất nguồn nước cứng chiếm tỷ lệ lớn trong tính chất nguồn nước Việt, rất nhiều người dân khi sử dụng loại nước này phát hiện những hiện tượng khác lạ. Và cũng không ít người lo lắng ảnh hưởng tới sức khỏe và chất lượng nước sinh hoạt.
Bạn có để ý khi gia đình mình sử dụng nguồn nước cứng sẽ khiến các thiết bị đun nấu, tháp giải nhiệt, bình nóng lạnh, nồi hơi….sẽ dẫn đến tình trạng bám cặn làm giảm hệ số lưu thông lưu lượng trên đường ống, dần dần có thể gây áp lực lớn có thể gây nổ nồi hơi trong một thời gian dài.
Gây đóng cặn dưới đáy các thiết bị đun nấu, giảm khả năng dẫn nhiệt và truyền nhiệt, làm tiêu tốn điện năng và gia tăng chi phí khi đun nấu, giảm tuổi thọ của các thiết bị gia dụng. Bên cạnh đó với những thiết bị nhà tắm đắt tiền thì việc sử dụng nước cứng lại gây hư hại, rỉ sét,…nhanh chóng.
Nhiều gia đình cũng tự hỏi nguyên nhân tại sao nguồn nước gia đình mình lại làm giảm khả năng tạo bọt của xà phòng, làm quần áo sau khi giặt có cảm giác cứng và khô ráp, nhanh mục vải, hư hại quần áo.
Bên cạnh đó, với nguồn nước cứng không được xử lý sẽ ảnh hưởng đến chất lượng nước uống: làm mất hương vị, tinh chất trà, cà phê không tan trong nước, ảnh hưởng đến chất lượng món ăn: thức ăn khi chế biến khó mềm, lâu chín… Và còn vô số những hậu quả khác từ nguồn nước cứng mà người dân gặp phải trong quá trình sử dụng.
Những năm về trước, khi máy lọc nước nano đang còn là ẩn số đối với người dân Việt và các thiết bị làm mềm nước vẫn chưa được người tiêu dùng biết tới; thì chúng ta sẽ tập làm quen “sống chung” với nguồn nước này. Thế nhưng với sự phát triển của khoa học kỹ thuật, cũng như nhu cầu thiết yếu của người tiêu dùng thì việc sử dụng thiết bị làm mềm nước cứng lại được chú trọng hơn bao giờ hết.
Những cách làm mềm nước cứng nên biết
Để tránh những hậu quả của nước cứng đối với chất lượng cuộc sống, sau đây chúng tôi sẽ đưa ra những giải pháp xử lý nước cứng bạn có thể áp dụng.
1. Phương pháp hóa chất
Trong thực tế áp dụng hàng loạt phương pháp xử lý nước bằng hóa chất với mục đích kết hợp các ion Ca2+ và Mg2+ hòa tan trong nước thành các hợp chất không tan dễ lắng và lọc. Các hóa chất thường dùng để làm mềm nước là vôi, sođa Na2CO3, xút NaOH, hydroxit bari Ba(OH)2, photphat natri Na3PO4.
Chọn phương án làm mềm nước bằng hóa chất cần phải dựa vào chất lượng nước nguồn và mức độ làm mềm cần thiết. Trong một vài trường hợp có thể kết hợp làm mềm nước với khử sắt, khử silic, khử photphat…
Ngoài ra trong mỗi trường hợp cụ thể phải dựa trên cơ sở so sánh kinh tế kỹ thuật giữa các phương pháp, đặc biệt là với phương pháp làm mềm bằng cationit.
2. Khử độ cứng cacbonat của nước bằng vôi
Khử độ cứng cacbonat của nước bằng vôi có thể áp dụng trong trường hợp ngoài yêu cầu giảm độ cứng cần phải giảm cả độ kiềm của nước.
3. Làm mềm nước bằng vôi và sođa (Na2CO3)
Làm mềm nước bằng vôi và sođa là phương pháp có hiệu quả đối với thành phần ion bất kỳ của nước. Khi cho vôi vào nước khử được độ cứng canxi và magie ở mức tương đương với hàm lượng của ion hydrocacbonat trong nước.
4. Phương pháp trao đổi ion
Làm mềm nước bằng cationit dựa trên tính chất của một số chất không tan hoặc hầu như không tan trong nước – cationit, nhưng có khả năng trao đổi, khi ngâm trong nước, các chất này hấp thụ cation của muối hòa tan lên bề mặt hạt và nhả vào nước một số lượng tương đương cation đã được cấy lên bề mặt hạt từ trước.
5. Thiết bị làm mềm nước cứng
Sử dụng thiết bị làm mềm nước cứng là một trong những giải pháp được người tiêu dùng tin tưởng nhiều hiện nay. Khắc phục những hạn chế của các phương pháp trên mất nhiều thời gian tiến hành, chuẩn bị cũng như hiệu quả xử lý chỉ mang tính chất tạm thời thì việc sử dụng thiết bị làm mềm nước được quan tâm hơn bao giờ hết.
Hiện nay, trên thị trường có rất nhiều thương hiệu máy làm mềm nước khác nhau tùy thuộc vào nhu cầu sử dụng của và chi phí đầu tư của gia đình. Việc sử dụng thiết bị làm mềm nước hiện nay không chỉ giải quyết vấn đề nguồn nước cứng bấy lâu, mà còn mang lại nguồn nước SẠCH – TỐT CHO SỨC KHỎE.